Tìm hiểu những chiếc bình vôi ký thời nhà Nguyễn



Chiếc bình vôi do triều Minh Mạng ký kiểu tại xưởng Copeland & Garrett vào năm 1839 đang trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Theo tàng thư của Bảo tàng Công ty Spode, mẫu hoa văn trên bình vôi này mang các số hiệu B.587 và B.588 do các họa sĩ của xưởng này sáng tác vào năm 1839. Chữ B ghi trước số hoa văn biểu thị hoa văn này được dùng dưới men.



Gốm sứ
Bình vôi ký kiểu tại xưởng Copeland & Garrett vào năm 1839, nay thuộc sở hữu của ông Trần Đình Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh. Mẫu hoa văn trên bình vôi này mang số hiệu B.466 do các họa sĩ của xưởng này sáng tác vào năm 1838.

Để phục vụ cho việc ăn cau trầu, mỗi dân tộc có những bộ vật dụng khác nhau, tùy thuộc vào tập quán và kiểu thức ăn cau trầu của họ. Bộ vật dụng ăn cau trầu của người Việt gồm các món: bình vôi, cơi trầu, dao bổ cau, hộp đựng thuốc sợi (hay vỏ cây) để ăn kèm, cối và chìa xoáy cau trầu, ống nhổ… Trong đó, bình vôi được coi là vật biểu trưng của “văn hóa trầu Việt”. Người ta có thể bắt gặp những “ông bình vôi” làm bằng đất nung, gốm, sứ, đồng, bạc… với muôn dạng hình thù, kích thước ở bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Dường như mỗi chiếc bình vôi luôn hàm chứa những câu chuyện lý thú về lịch sử, văn hóa; về thân phận, địa vị của dụng nhân và chủ nhân. Vì thế, giới sưu tầm cổ vật nước nhà luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho những “ông bình vôi”, nhất là những bình vôi đã được tôn vinh là “bảo vật truyền gia”, thậm chí là “bảo vật truyền quốc” như những chiếc bình vôi ký kiểu của vương triều Nguyễn (1802 – 1945) mà chúng tôi giới thiệu trong bài này.
Tôi còn nhớ trong một cuốn sách của cố học giả Vương Hồng Sển có kể câu chuyện rất thú vị: vì mê ăn cau trầu, nhưng chưa hài lòng với những bình vôi nội hóa nên vua Minh Mạng (1820 – 1841) đã cho người “họa hình” bình vôi gửi sang một lò đồ sứ danh tiếng bên nước Anh đặt làm 20 chiếc. Đến kỳ giao hàng, người Anh gửi sang 20 chiếc bình vôi như đã giao kèo, nhưng khi mở ra, thì đình thần được một phen mới tá hỏa: cả 20 chiếc bình vôi này đều đặc ruột và ngoài thân đều có ghi dòng chữ “Loại này đặt làm 20 chiếc”. Hóa ra, vì người Anh không ăn cau trầu nên họ không biết rằng “ông bình vôi” phải làm rỗng ruột; còn dòng chữ ghi số lượng đơn hàng lại bị hiểu nhầm là lời chúc tụng nên họ đã sao chép nguyên xi dòng chữ này lên những chiếc bình vôi.
Gốm sứ 2
Bình vôi ký kiểu tại xưởng Copeland & Garrett, nay thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh. Mẫu hoa văn trên bình vôi này mang số hiệu B.593, được sáng tác vào năm 1839.

Gốm sứ 3
Bình vôi gốm Việt Nam, thế kỷ 18, có hình dáng giống với các bình vôi ký kiểu tại xưởng Copeland & Garrett. Hiện vật thuộc sở hữu của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Gốm sứ 4
Bình vôi ký kiểu tại Trung Hoa, thế kỷ 19, trang trí rồng mây. Hiện vật thuộc sở hữu của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Thực hư câu chuyện không ai rõ, nhưng việc vua Minh Mạng ký kiểu bình vôi bên Anh là có thật. Tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế hiện còn lưu giữ một chiếc bình vôi làm bằng sành xốp, trang trí hình một con chim trĩ, một con chim công và nhiều đồ án hoa lá liên hoàn. Kiểu thức hoa văn cũng như kỹ thuật trang trí trên chiếc bình vôi này chưa hề xuất hiện trong nền mỹ thuật đương thời ở Việt Nam. Dựa vào những tư liệu do nhà nghiên cứu Philippe Truong ở Paris (Pháp) cung cấp, chúng tôi được biết đây là một trong những chiếc bình vôi do vương triều Nguyễn ký kiểu tại xưởng Copeland & Garrett (Anh) thuộc Công ty Spode (Anh) vào năm 1839. Những chiếc bình vôi này được làm bởi một loại chất liệu mới, gọi là New Fayence, do lò Spode (Anh) phát kiến vào năm 1826. Hình trang trí trên bình vôi ký kiểu này được thực hiện theo phương pháp “in chuyển họa”, một kỹ thuật trang trí do hai họa sĩ John Sadler và Guy Green sáng chế ở Liverpool (Anh) vào năm 1756 (Kỹ thuật này đã làm biến đổi kỹ nghệ làm gốm ở châu Âu từ một nghề thủ công trở thành một công nghệ). Theo tàng thư củaBảo tàng Công ty Spode, thì các món đồ sành làm bằng chất liệu New Fayence với các kiểu thức trang trí như trên chỉ được chế tác ở xưởng Copeland & Garrett trongcác năm 1839 – 1847. Trong thời gian này chỉ có một sứ bộ duy nhất được triều đình Đại Nam cử sang châu Âu. Đó là sứ bộ do Tôn Thất Thuyền làm chánh sứ và Trần Việt Xương làm phó sứ, được vua Minh Mạng cử sang Pháp và Anh, lấy cớ đi mua hàng hóa để thăm dò tình hình và tiềm lực của các nước này sau sự kiện nước Anh tấn công Trung Hoa vào năm 1839.
Trong thời gian lưu lại Luân Đôn, theo lệnh vua Minh Mạng, sứ bộ Đại Nam đã ký kiểumột số bình vôi tại thương quán Luân Đôn. Do thời gian lưu trú của sứ bộ ở Anh không lâu nên họ không kịp tiếp nhận những chiếc bình vôi đã ký kiểu. Sau đó, nhữngbình vôi này lò Spode được gửi đến Toàn quyền Anh ở Ấn Độ để chuyển về Huế. Năm 1845, nhân dịp Toàn quyền Anh ở Ấn Độ cử một sứ bộ đến Đại Nam để tạ ơn việc vua Thiệu Trị (1841 – 1847) đã giúp đỡ những người Anh gặp nạn trong một vụ đắm tàu ở vùng biển thuộc Đại Nam và đã cho tàu đưa họ đến Ấn Độ để trở về Anh, những chiếc bình vôi này đã được chuyển đến cho triều đình Thiệu Trị.
Ngoài chiếc bình vôi hiện đang lưu giữ ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, giới sưu tầm cổ vật trong và ngoài nước còn phát hiện thêm 4 chiếc bình vôi khác, cũng do xưởng Copeland & Garrett thực hiện vào năm 1839: một chiếc thuộc sưu tập của ông Trần Đình Sơn ở thành phố Hồ Chí Minh; một chiếc thuộc sở hữu của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh; hai chiếc thuộc sở hữu của nhà sưu tầm người Bỉ Clément Huet trước đây nhưng nay đang “mai danh ẩn tích” trong một sưu tập nào đó ở bên trời Âu. Kiểu dáng của những bình vôi này tương tự những bình vôi bằng đất nung do người Việt chế tác vào thời Nguyễn: thân hình cầu, trên đỉnh có đắp một númnhỏ; quai bình hình cung, hai đầu quai đắp nổi hình ngọn lửa, nhưng hình trang trí thì tuân thủ những kiểu thức trang trí độc quyền do các họa sĩ của lò Spode thiết kế.
Gốm sứ 5
Bình vôi ký kiểu tại Trung Hoa, thế kỷ 19, trang trí phong cảnh – nhân vật. Hiện vật thuộc sở hữu của Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Không chỉ ký kiểu bình vôi ở Anh, các vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức (1848 – 1883) còn ký kiểu nhiều bình vôi bằng sứ ở Trung Hoa. Theo thông lệ, những sứ bộ do triều Nguyễn phái sang Trung Hoa, ngoài nhiệm vụ ngoại giao còn kiêm nhiệm việc mua sắm hàng hóa cho triều đình. Một trong những mặt hàng thường được đặt mua là đồ sứ cao cấp ở Cảnh Đức Trấn (Giang Tây) theo phương thức ký kiểu. Từ triều Gia Long đến triều Tự Đức, nhà Nguyễn đã cử 39 sứ bộ đi sứ Trung Hoa. Trên đường đi sứ, các sứ thần thường ghé Cảnh Đức Trấn để ký kiểu đồ sứ và trong số những đồ sứ ký kiểu nhập về hoàng cung ở Huế có rất nhiều bình vôi. Bình vôi do triều Nguyễn ký kiểu từ Trung Hoa chủ yếu là đồ sứ trắng vẽ lam, trang trí các đề tài phong cảnh rồng mây, sơn thủy – nhân vật, động thực vật… với số lượng lớn. Những bình vôi ký kiểu này hiện vẫn còn lưu dấu trong Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và trong nhiều bảo tàng và sưu tập tư nhân ở Việt Nam và hải ngoại. Có một điều đặc biệt là dù ký kiểu rất nhiều đồ sứ từ Trung Quốc, nhưng triều đình nhà Nguyễn vẫn luôn coi đồ sứ ký kiểu, đặt biệt là bình vôi ký kiểu, là những trân bảo, quý hơn cả vàng bạc. SáchKhâm định Ðại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn cho biết: mỗi khi công chúa lấy chồng, nhà vua đều ban tặng 100 lạng vàng, 2000 lạng bạc, 2000 quan tiền và nhiều thứ trân quý khác, nhưng chỉ ban cho “một chiếc bình vôi bằng sứ, hai chiếc tô sứ bịt vàng và mười chiếc tô sứ bịt bạc”.
Gốm sứ 6
Từ triều Thành Thái trở về sau, triều Nguyễn còn ký kiểu đồ sứ ở Pháp, chủ yếu là tại lò Sèvres và lò Limoges. Đặc biệt, để chuẩn bị cho lễ Tứ tuần đại khánh vào năm 1924, vua Khải Định đã đặt lò Sèvres chế tác nhiều bộ ăn bằng đồ sứ trắng nhũ vàng, trên đó có ghi quốc hiệu Đại Nam bằng Hán tự. Những bộ đồ sứ ký kiểu ở Sèvres hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế và ở cung Thiên Định trong lăng vua Khải Định. Trong số đó có những chiếc bình vôi làm bằng sứ trắng, không có hoa văn trang trí nhưng có các đường viền bằng nhũ vàng ở vành miệng và vành chân và có hiệu đề Đại Nam.
Vậy là, với việc ký kiểu những chiếc bình vôi bằng sành sứ cao cấp từ bên Anh, bên Pháp, bên Tàu, các vua nhà Nguyễn đã “sang trọng hóa” thú ăn cau trầu dân dã của người Việt khi du nhập vào chốn cung đình. Nhờ vậy mà đời sau mới có cơ hội để chiêm ngưỡng những chiếc bình vôi độc đáo và thú vị
Tìm hiểu những chiếc bình vôi ký thời nhà Nguyễn Reviewed by Trần Toàn Phát on 20:49 Rating: 5

Không có nhận xét nào:

Biểu Mẫu Liên Hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.
Google Analytics Alternative